Ẩm thựcBến TreĐặc sảnTin tức

Bến Tre có giống vú sữa tím mới: ít hạt, dày cơm, ngọt thanh, không mủ

(SGTTO) – Giống vú sữa tím “lạ” của vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Lô và chị Bùi Ngọc Lan (ấp phụng Châu, xã Sơn Định, Chợ Lách, Bến Tre) vừa được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh này công nhận là cây đầu dòng.

Giống cây lạ

Cách đây 10 năm, gia đình anh Hoàng Lô trồng cây vú sữa này để thay thế cây vú sữa ở vườn nhà đã già cỗi. Cây lớn nhanh, tàn lá mướt nhìn thích mắt và anh chị càng vui mừng hơn khi sau hai năm trồng, cây ra hoa và đậu trái chiến trên 50 trái, có nhiều trái trọng lượng từ 0,7-0,8g. Nhiều người qua lại còn trầm trồ vú sữa trái to như… trái dừa khô.

Trái vú sữa khi chín có màu tím đậm. Điều lạ là trái chín không còn mủ như lúc còn xanh, vỏ mỏng, dày cơm, ít hạt, hạt không có bao, vị ngọt thanh hơn nhiều loại vú sữa khác.

Biết cây vú sữa vườn nhà mình “đốc” (đột biến) cho trái ngon, vợ chồng anh Hoàng Lô tháp cành và trồng thêm nhiều cây tương tự trên vườn nhà. Đến nay, vườn nhà vợ chồng anh đã có 40 cây cho trái, trong đó có nhiều cây đạt từ 5-8 tuổi.

Chị Ngọc Lan bên cây giống vú sữa Mica ghép cành từ cây đầu dòng.

Chị Ngọc Lan cho biết cây vú sữa vườn nhà chị lớn nhanh hơn vú sữa lò rèn, thích hợp trồng trên nhiều loại đất như đất thịt, đất sét, đất giồng cổ…

Cây vú sữa này dễ phân biệt với cây vú sữa thường khi nhìn vào các đặc điểm như lá hình bầu dục, đuôi tròn không nhọn… “Cây tháp cành trồng nơi đất tốt, đủ nắng, hai năm cho 40-50 trái. Ba năm tuổi, cây sẽ cho trên 100 trái. Cây mẹ 10 năm tuổi cho trên 350 trái, chị Ngọc Lan cho biết.

Cây vú sữa Mica ra hoa vào tháng Hai âm lịch, đậu trái vào tháng 10 âm lịch và cho trái chín vào tháng 10-12 âm lịch.
Chính thức được “khai sinh”

Được thưởng thức trái vú sữa lạ, ngon, nhiều nhà vườn sản xuất cây giống ở Chợ Lách khuyên anh chị đăng ký cây đầu dòng để giữ quyền “chính chủ” về cây giống cho mình. Vì vậy, anh chị đã làm hồ sơ đăng ký cây đầu dòng nhưng khi đăng ký thì phải có cái tên cho giống cây này. Anh chị suy nghĩ mãi không biết đặt tên gì. Nhiều người ý kiến là lấy tên vợ hoặc chồng hay con đặt tên cho giống vú sữa chín không mủ. Anh chị suy nghĩ mãi vẫn thấy không ổn nên mang trái vú sữa ngon nhà mình đến mời tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách dùng thử và nhờ đặt tên.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết, các loại vú sữa khác khi ăn phải nắn, bóp cho mềm mới ăn. Loại vú này chín màu tím đậm rất đẹp, vỏ mỏng, cơm giòn, ngọt ngon hơn nhiều loại vú sữa tím khác nên ông đặt tên là Mica (Mica là chữ viết tắt của chữ Milk fruit of Cai Mon, có nghĩa là vú sữa của xứ sở Cái Mơn). Vú sữa tím vườn nhà vợ chồng anh Hoàng Lô được khai sinh với tên Mica từ đó.

Có vú sữa ngon, gia đình anh Hoàng Lô hay biếu bà con trong xóm và họ hàng hai bên. Từ đó trái vú sữa tím Mica được nhiều người biết đến. Nhiều khách phương xa tìm đến mua trái vú sữa, nhiều chủ vựa kinh doanh cây giống đặt mua số lượng lớn.

Anh Đinh Văn Tô ở ấp Tâm Phúc, xã Sơn Định – làm nghề kinh doanh cây giống – cho biết anh đã mua ăn cả chục loại vú sữa tím nhưng chưa có loại vú sữa nào ngon hơn vú sữa Mica. Nhiều siêu thị được anh mời ăn loại trái vú sữa này đã đặt mua số lượng lớn nhưng hiện nay diện tích trồng cây còn ít, chưa đủ cung ứng cho thị trường.

Kết quả đánh giá chất lượng quả của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bến Tre), 8/8 tiêu chuẩn cây đầu dòng của vú sữa Mica đều đạt: khối lượng trung bình trái: 423/200g; hình dạng đồng đều: 75/70%; đường kính lõi: 1,6/ 1,5cm; dộ dày vỏ: 1,1/1,5cm; cấu trúc thịt trái: dày, mềm, nhiều nước; hương vị: thơm, ngọt, béo; số lượng hạt: 4,2/5 hạt; độ brix: 14,4/13%.

Lư Thế Nhã

Related Articles

Back to top button