Ẩm thựcBến TreĐặc sảnTin tức

Đưa trái dừa xiêm Bến Tre chinh phục người Mỹ

TTO – 5 năm trở về trước, nói đến dừa tươi uống liền tại Mỹ, khách hàng chỉ nghĩ dừa Thái Lan. Nhưng ông Nguyễn Đình Tùng (tổng giám đốc Công ty Vina T&T) đã nhảy vào thay đổi cán cân với những trái dừa đến từ Việt Nam.

Đưa trái dừa chinh phục người Mỹ - Ảnh 1.

Sơ chế dừa trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Bến Tre – Ảnh: TRẦN MẠNH

“Bài học” mà ông muốn chia sẻ là: tự tin đưa “hàng thật” đi chinh phục thị trường quốc tế.

Đánh bay “hàng nhái”

Là người có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây nhiều năm đi Mỹ, lại là con rể của Bến Tre, ông Tùng thắc mắc vì sao dừa Bến Tre ngon ngọt như vậy mà chưa được người tiêu dùng ở Mỹ đón nhận như dừa Thái Lan.

Trong một lần đi Mỹ tìm hiểu thị trường, ông Tùng đến một số chợ tại đây để tìm hiểu và phát hiện trái dừa Việt bán tại Mỹ không phải dừa xiêm chính hiệu, mà là dừa lai với độ ngọt kém hơn nhiều dừa Thái… Có lẽ đó chính là lý do mà dừa Việt Nam chưa được người tiêu dùng ở đây lựa chọn.

Về nước, ông Tùng tìm đến vùng dừa xiêm Bến Tre chính hiệu và xuất thử một container cho đối tác thân thiết ở Mỹ để làm thị trường, tức là tặng cho người tiêu dùng uống thử. Đúng dự đoán, dừa xiêm Bến Tre ngon ngọt nhanh chóng được người tiêu dùng Mỹ đón nhận. 

Đối tác nhanh chóng đặt hàng thêm và chỉ một năm sau đã chiếm chỗ dừa Thái tại nhiều quầy hàng bán dừa tươi tại Mỹ. Vina T&T phải xây thêm nhà máy quy mô xử lý 2,5 triệu trái/năm tại Bến Tre để đáp ứng xuất khẩu.

Bước đầu tiên, phải giảm chi phí logistics

Đối với nông sản, đặc biệt là hàng rau quả tươi, chi phí logistics chiếm đến 50-60% giá thành. Đây là một trở ngại rất lớn cho cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu khác, nhất là Thái Lan. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong muốn Việt Nam có một chiến lược hỗ trợ xuất khẩu nông sản thông qua các chương trình làm giảm chi phí logistics. 

Cụ thể, đó là việc bỏ bớt hoặc giảm chi phí các trạm BOT cho xuất khẩu nông sản, mở thêm các đường bay mới để tăng khả năng cung ứng hãng vận chuyển hàng hóa ra các nước, giảm chi phí và thủ tục kiểm tra tại các cảng biển và hải quan… 

Có như vậy, nông sản Việt Nam mới có thể cạnh tranh lâu dài và phát triển tại các thị trường mới mở hoặc ký kết FTA, thay vì chỉ hào hứng thời điểm ban đầu rồi sau đó hụt hơi khi cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Một trong những nỗi lo nữa của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, theo ông Tùng, là dư lượng các chất cấm. Doanh nghiệp hiểu rằng chất lượng là vấn đề sống còn khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính nên đã cùng nông dân xây dựng các vùng trồng đảm bảo chất lượng, tuân thủ không sử dụng các chất mà các thị trường nhập khẩu cấm. 

Tuy nhiên, việc quản lý sản xuất và kinh doanh hóa chất vật tư nông nghiệp vẫn còn nhiều kẽ hở dẫn tới tình trạng trộn lẫn hoặc cố tình cho các chất cấm nhưng không khai báo, ghi nhãn vào các sản phẩm lưu thông trên thị trường. Do đó, nông dân cũng vô tình mua và sử dụng mà không biết, lô hàng bị vi phạm và doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Vì thế, doanh nghiệp và nông dân mong muốn và thực tâm làm ra sản phẩm sạch để xuất khẩu nên rất mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các hành vi gian dối này để tránh ảnh hưởng đến cả ngành và hình ảnh nông sản Việt Nam.

Đưa trái dừa chinh phục người Mỹ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Tùng

Có chiến lược quốc gia đưa nông sản ra thế giới

Theo ông Tùng, lúa gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, trái cây, thủy hải sản… của Việt Nam đã có mặt trên khắp thế giới, xuất hiện trong các siêu thị, nhà hàng hay bếp ăn gia đình ở các thị trường cao cấp, khó tính nhất toàn cầu như Mỹ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Điều đó cho thấy chúng ta đã xây dựng được hình ảnh là nơi cung cấp nhiều loại nông sản, thực phẩm có số lượng và chất lượng đáp ứng được nhu cầu.

Nhưng để tăng thêm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu nông sản ra thế giới, Việt Nam cần nâng cấp chiến lược tập trung vào số lượng và chất lượng sang chiến lược cạnh tranh quốc gia, tức cạnh tranh với các đối thủ cũng xuất khẩu các mặt hàng tương tự, với chất lượng tương tự, thậm chí cao hơn.

Về những lợi thế, ông Tùng nhận định nhu cầu về các mặt hàng nông sản thực phẩm trên thế giới rất cao và không ngừng tăng lên. Cơ hội cho xuất khẩu mặt hàng này cực kỳ lớn. 

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do chất lượng cao có giá trị như Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA), CPTPP, các hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Đây là những tiền đề hết sức quan trọng, tạo ra lợi thế rất lớn cho hàng nông nghiệp và các doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa ra thế giới, và vẫn cần có thêm những hiệp định chất lượng cao như vậy nữa.

Tuy vậy, theo ông Tùng, làm thế nào để tận dụng cơ hội giảm thuế từ các hiệp định nói trên vẫn là một vấn đề còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Doanh nghiệp rất mong muốn các bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và chất lượng sản phẩm của Việt Nam tới người tiêu dùng các nước.

Giữ uy tín, không thể vàng thau lẫn lộn

Từ chuyện của mình, ông Tùng chia sẻ “lộ trình chinh phục” của những trái dừa cũng là chuyện chung của nhiều loại trái cây Việt Nam khi xuất khẩu. Việt Nam có nhiều nông sản thơm ngon, nhưng khi bán thường bị trộn lẫn với sản phẩm kém chất lượng nên chưa tạo được hình ảnh và uy tín với khách hàng. Đây là một trong những điểm cần tháo gỡ nếu muốn đưa nông sản Việt Nam cạnh tranh trong thời gian tới.

Giúp doanh nhân nông nghiệp “tiến thẳng lên hiện đại”

Ông Trần Văn Phẩm – Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng – cho rằng đại dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi hoạt động, thói quen sinh hoạt của con người. Chi tiêu thắt chặt lại, nhưng nhu cầu thực phẩm vẫn rất lớn, đặc biệt ưu tiên cho những mặt hàng trữ được lâu như con tôm. Nhiều nước có diễn biến dịch phức tạp khiến ngành nuôi trồng chế biến thực phẩm tê liệt lại là cơ hội cho ngành tôm xuất khẩu phát triển.

“Chúng tôi đã tận dụng cơ hội này, đẩy mạnh xuất khẩu nên dự kiến năm nay, doanh số, đơn hàng có thể tăng thêm khoảng 20%, sang các thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á…” – ông Phẩm thông tin.

Ông Phẩm nói khi dịch xảy ra, nhiều ngành khác bị giảm việc làm do không có đơn hàng, lao động chạy về các vùng quê để kiếm sống nên công ty của ông đã tạo thêm được việc làm cho hàng trăm lao động. Từ đó cho thấy khi khó khăn, nông nghiệp cũng thể hiện vai trò là bệ đỡ cho nền kinh tế, mặc dù nghề này cực khổ, ít ai quan tâm.

“Với ý nghĩa như thế, chúng tôi vẫn gắn bó với nghề dù xã hội chạy theo lợi nhuận cao như bất động sản, hay dù các chính sách hỗ trợ chưa tương xứng, cũng có lúc tủi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm nhiều hơn tới đào tạo nhân lực gắn với công nghệ và cơ sở hạ tầng” – ông Phẩm đề nghị.

Theo ông Phẩm, các tỉnh vùng ĐBSCL có quy mô nhỏ về nguồn nhân lực và công nghệ không có, kỹ năng công nghệ và hệ sinh thái cho một số ngành nông nghiệp không phát triển được. Trong khi để vươn ra hội nhập, hàng hóa xuất khẩu cần phải liên tục đổi mới, nâng chất lượng, không ứng dụng công nghệ thì sẽ bị lạc hậu.

“Chúng tôi phải luôn nỗ lực để thay đổi, bắt kịp với ngành công nghệ thực phẩm, các thiết bị thế giới nhưng vẫn thấy hụt hơi. Vì thế không có hỗ trợ nguồn nhân lực, nâng cao trình độ và ứng dụng công nghệ, khó vươn ra thế giới” – ông Phẩm tâm sự.

Nhắc đến chuyện hạ tầng, ông Phẩm chia sẻ một container từ ĐBSCL đi TP.HCM mất 15 triệu đồng nhưng chở hàng giá trị gia tăng cần bao gói thì chỉ chở được 1/3 lượng hàng, trong khi chi phí còn tăng thêm 10 triệu đồng. Nếu đường tốt thì đi 3 ngày được 3-6 lượt, nhưng hiện 2 ngày chỉ được 1 lượt. Doanh nghiệp phải đầu tư thêm xe vận chuyển, đòi hỏi vốn lớn nên nếu hạ tầng tốt, vận chuyển tốt thì giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

NGỌC AN

Trần Mạnh

Theo Tuổi Trẻ

Related Articles

Back to top button