Thầy langTiêu hóaToa thuốc

Không ăn hạt muồng tây để ngừa tiểu đường

Hạt muồng tây có chứa độc tố anthraquinone không dùng để phòng ngừa bệnh tiểu đường vì có thể gây ngộ độc thần kinh, teo cơ, liệt toàn thân.

Người phụ nữ 56 tuổi cùng chồng 64 tuổi ở Kiên Giang có chỉ số đường huyết cao hơn người bình thường nhưng do lo sợ bệnh tiến triển thành tiểu đường nên đã ăn hạt muồng tây. Vợ chồng bà được người quen cho hạt đậu muồng đem về trồng và ăn để chữa tiểu đường. Thời gian đầu, mỗi ngày vợ chồng bà chỉ ăn mỗi người khoảng hai hạt, sau đó nhiều hơn và ăn hàng ngày.

Sau 3 tháng ăn hạt muồng tây, vợ chồng bà thấy mệt mỏi, suy nhược, chân tay yếu. Bà sụt 15 kg, còn chồng sụt 10 kg. Bệnh càng lúc tiến triển nặng, không chỉ yếu chân tay mà chuyển sang bị liệt cả hai chân và phải di chuyển bằng xe lăn. Kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy vợ chồng bà nghi bị nhiễm độc kim loại nặng.

BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, toàn bộ cây muồng tây đều có độc tố anthraquinone nhưng tập trung ở hạt. Y học đã ghi nhận chúng gây độc với cơ, thần kinh, nhất là gây hoại tử cơ, thoái hóa cơ, tổn thương gan, não và tử vong trên người và động vật. Ở trường hợp ở vợ chồng bà do bị ngộ độc trong một thời gian dài khiến teo hết cơ dẫn đến yếu liệt tất cả các chi.

Theo bác sĩ Mười Một, vợ chồng bà là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam ghi nhận bị ngộ độc hạt muồng tây. Ngoài Việt Nam, y văn thế giới từng công bố một số trẻ em Ấn Độ cũng bị ngộ độc hạt của loại cây này và tử vong.

Hạt muồng tây. Ảnh: Shutterstock
Hạt muồng tây. Ảnh: Shutterstock

Cây muồng tây còn được gọi là muồng lá khế, cốt khí muồng, cốt khí hạt, muồng hòa, có tên khoa học Senna occidentalis (còn gọi là Cassia occidentalis L.) thuộc họ đậu – Fabaceae. Đây là loại cây bụi vùng nhiệt đới, cao khoảng 1-2m, mọc hoang ven đường từ Bắc đến Nam, các bãi cỏ và cũng được trồng.

Cây mọc cao 1-2m, lá kép lông chim gồm 5-8 đôi lá chét hình trái xoan giống lá khế. Khác với cây muồng trâu lá to bản, hay sống gần bờ nước; cây muồng lá khế có lá nhỏ hơn. Hoa của cây muồng tây có màu vàng trông như hoa của các cây họ đậu khác và mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành vào tháng 9. Trái của cây dẹp, hơi cong, dài 15 cm, thắt lại giữa các hạt. Trong cây có các hợp chất anthraquinon, flavonoid và chất nhầy; còn có một albumin độc.

Bác sĩ Mười Một chia sẻ thêm, theo y học cổ truyền, hạt cây muồng tây có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, giúp nhuận tràng, dễ tiêu… chứ không phải dùng điều trị tiểu đường. Dù có dược tính chữa bệnh thông thường nhưng toàn cây muồng tây đều có độc, vì vậy, khi dùng làm thuốc cần hỏi thêm ý kiến của thầy thuốc. Các triệu chứng ngộ độc thường thấy là tiêu chảy, nôn mửa,… đặc biệt phụ nữ mang thai không được dùng cây này.

Hoa muồng tây. Ảnh: Shutterstock
Hoa muồng tây. Ảnh: Shutterstock

“Với người bệnh tiểu đường, điều trị phải thường xuyên xét nghiệm để theo dõi lượng đường huyết, tránh những biến chứng nguy hiểm, chứ không phải dùng bài thuốc truyền miệng, dân gian. Những người có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đến mức bị tiểu đường thì nên thay đổi lối sống để tránh bệnh tiến triển thành tiểu đường, nhất là tuân thủ ăn uống lành mạnh, tập thể dục”, bác sĩ Mười Một nói thêm.

Người tiểu đường ưu tiên axit béo không bão hòa từ các nguồn thực phẩm cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng… để tránh rối loạn chuyển hóa. Tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt giúp cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tốt nhất, người bệnh tiểu đường cần chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa mỗi ngày) tránh tăng đường huyết quá mức sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn.

Người bệnh cần hạn chế tinh bột (carbohydrate) trong bữa ăn; các thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt); sử dụng lượng chất béo vừa phải. Người bệnh tiểu đường có biến chứng tim mạch nên hạn chế muối, thức ăn nhiều cholesterol như da, mỡ (trừ mỡ cá), nội tạng động vật, đồ chiên, xào, nướng và đồ ăn nhanh.

Đinh Tiên

theo VnE

Related Articles

Back to top button