Thầy langTư vấn

Những thức ăn không tốt cho người bệnh tuyến giáp

Tôi vừa phát hiện bị bướu giáp, nghe bảo cần tránh ăn bắp cải, su hào, măng… có đúng không, ngoài ra còn cần hạn chế những thực phẩm nào? (Ngọc Đào, Long An)

Trả lời:

Hormone tuyến giáp chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Các bệnh tuyến giáp thường gặp như: cường giáp, suy giáp, ung thư tuyến giáp, bướu lành tuyến giáp… Có nhiều tác nhân gây ra bệnh tuyến giáp, trong đó chế độ ăn uống cũng có tác động đến chức năng và các bệnh của tuyến giáp. Người bệnh tuyến giáp cần tránh một số thực phẩm như sau:

Thực phẩm chứa chất goitrogens

Chất goitrogens có 3 loại chính bao gồm: goitrins, thiocyanates, flavonoid. Goitrogens có thể gây ra bệnh tuyến giáp bằng những tác động như: ngăn cản hấp thu iốt vào tuyến giáp, làm giảm tổng hợp hormone tuyến giáp. Chất này tương tác với enzyme TPO (enzyme peroxidase) của tuyến giáp, là enzyme chính trong việc tổng hợp hormone tuyến giáp. Goitrogens làm giảm hormone kích thích tuyến giáp TSH.

Khi việc tổng hợp hormone giáp tại tuyến giáp bị suy giảm, cơ thể sẽ bù trừ bằng việc giải phóng TSH để thúc đẩy sản xuất hormone tuyến giáp. TSH là hormone có tác dụng kích thích các tế bào tuyến giáp phát triển. Do đó, tuyến giáp sẽ gia tăng kích thước dưới tác dụng của TSH và gây nên bệnh bướu cổ.

Các loại thực phẩm chứa goitrogens là rau củ, trái cây, thực vật giàu tinh bột như bắp cải, su hào, củ cải trắng, cải xoăn, súp lơ, măng, đậu nành… Ngoại trừ đậu nành, các thực phẩm còn lại chỉ chứa nhiều goitrogens khi còn sống. Việc ăn rau được hấp hoặc nấu chín sẽ phá vỡ enzyme myrosinase, giúp giảm goitrogens.

Goitrogen chỉ thật sự ảnh hưởng lớn với người thiếu iốt hoặc người có vấn đề về tuyến giáp. Tuy nhiên, nếu ăn vừa phải và được nấu chín, các thực phẩm này an toàn với mọi người, kể cả người có vấn đề về tuyến giáp. Người bệnh cần lưu ý ngưng thuốc lá vì thuốc lá là yếu tố nguy cơ của bệnh tuyến giáp.

Bắp cải không tốt cho người bệnh tuyến giáp. Ảnh: Shutterstock
Bắp cải không tốt cho người bệnh tuyến giáp. Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm nhiễm chì

Chì là kim loại độc hại, nếu chì có trong cơ thể thường có xu hướng tích tụ trực tiếp ở tuyến giáp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và giảm chức năng tuyến giáp. Trẻ em có nồng độ chì trong máu tăng có hiện tượng giảm tiết hormone, nhất là hormone tăng trưởng.

Thực phẩm nhiễm chì là những loại thực phẩm dễ gây bệnh tuyến giáp. Các loại thực phẩm dễ nhiễm chì bao gồm: rau muống nước, lá màu xanh đen, ăn chát, nước luộc khi nguội có màu xanh đen, có cặn màu đen nổi lên. Ốc, cua, trai, hàu là loài dễ bị nhiễm chì do sống ở tầng đáy gần lớp bùn có kim loại nặng.

Thực phẩm chứa thủy ngân

Nếu tiêu thụ thực phẩm chứa thủy ngân, người bệnh đối diện với các bệnh về tuyến giáp như: ung thư tuyến giáp, viêm tuyến giáp tự miễn và suy giáp. Thủy ngân được tìm thấy ở một số loại cá biển và hải sản có vỏ, chúng thường có một lượng thủy ngân nhất định trong cơ thể, gây lo ngại đến sức khỏe người dùng.

Thực phẩm chứa gluten

Gluten có nhiều trong các loại thực phẩm như: lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch, yến mạch, lúa mì… Các sản phẩm chế biến có chứa gluten gồm: bia, bánh mì, bánh kem, ngũ cốc tổng hợp, khoai tây chiên, xúc xích và các loại thịt chế biến… Người bệnh cần hạn chế ăn thức ăn nhanh, ăn thực phẩm chứa gluten ở mức độ vừa phải.

BS CKI Phan Thị Thùy Dung
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Related Articles

Back to top button