Tin tứcXã hội

Bến Tre đầu tư 85 tỷ đồng phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách

Tỉnh Bến Tre vừa triển khai Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm Quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Qua đó, nhằm tạo sức bật mạnh mẽ về định hướng đầu tư và sản xuất cho nghề sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, hoa kiểng, nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng, hoa kiểng mới, có giá trị kinh tế cao, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập và góp phần cải thiện đời sống người dân, giúp họ thoát nghèo một cách bền vững.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, mục tiêu của Đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nghề cây giống, hoa kiểng huyện Chợ Lách để huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung trở thành trung tâm (vùng) sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng mang tầm Quốc gia.

Đề án sẽ sưu tập và bảo tồn 1-3 cây đầu dòng/giống và vườn cây đầu dòng chủ lực đủ số lượng 30-40 triệu mắt ghép/năm để cung ứng sản xuất giống đạt số lượng từ 17-20 triệu cây giống/năm. Ngoài ra, Đề án tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 ha – 500 ha trên diện tích 1.500 ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng.

Ben Tre dau tu 85 ty dong phat trien cay giong va hoa kieng Cho Lach hinh anh 1Du khách tham quan, chụp ảnh tại “Vương quốc hoa kiểng” Chợ lách. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu – TTXVN

Trong đó, có 1 hợp tác xã liên vùng (gồm 3 xã Vĩnh Thành, Phú Sơn và Long Thới) có doanh thu đạt 100 tỷ đồng/năm. Sản lượng cây giống trong tỉnh cung ứng trong năm trên 90% đạt tiêu chuẩn sản xuất giống, tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn ngành theo Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật, các văn bản hướng dẫn khác.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, để triển khai thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quy mô Quốc gia, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng và phát triển Chợ Lách trở thành trung tâm (vùng) sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng mang tầm khu vực và Quốc gia.

Mặt khác, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm; tuân thủ các quy định của pháp luật về giống cây trồng và hoa kiểng; xu hướng tất yếu phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng và xu hướng sản xuất sạch để chủ động, tự nguyện tham gia hợp tác sản xuất-liên kết chuỗi, từng bước điều chỉnh hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa có chứng nhận chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ và tham gia chuỗi giá trị cây giống và hoa kiểng.

Ben Tre dau tu 85 ty dong phat trien cay giong va hoa kieng Cho Lach hinh anh 2Làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách. Nguồn: baochinhphu.vn

Đặc biệt, địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp về mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã kiểu mới, về sự cần thiết phải nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng nông sản và nâng cao chất lượng tăng trưởng nghề cây giống, hoa kiểng theo chiều sâu.

Nghề sản xuất cây giống của huyện Chợ Lách nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung là nơi sản xuất giống cây trồng lớn nhất nước, có diện tích 1.538 ha, với trên 8.000 hộ sản xuất. Mỗi năm cung ứng cho các tỉnh từ 17-20 triệu cây giống các loại. Đây là ngành nghề truyền thống có từ lâu đời đã góp phần đáng kể cho việc phát triển diện tích cây ăn quả ở nước ta trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc sản xuất cây giống chưa phát huy và khai thác đúng mức do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản lượng không ổn định, chủng loại cây không đồng đều, sản xuất vẫn còn manh mún, thiếu đồng bộ và thông tin nguồn gốc chưa rõ ràng.

Đa số chưa tuân thủ quy định về sản xuất giống cây trồng và chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với cơ sở pháp lý cũng như chưa có mối liên kết vùng trong sản xuất, giao thương với các tỉnh thành khác như Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang…

Bên cạnh đó, công tác sưu tập, chọn lọc, nhập nội, lai tạo giống mới chưa được ngành chức năng thực hiện thường xuyên để đánh giá, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất. Chủ yếu là người dân tự nhập giống để trồng, qua thực tế chọn lọc giống nào tốt thì giữ lại và tiếp tục phát triển.

Riêng đối với hoa kiểng là nghề truyền thống của địa phương. Những năm gần đây, nghề sản xuất, kinh doanh hoa kiểng không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng cung cấp trên thị trường. Toàn tỉnh có 7.907 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng; trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Lách 6.421 hộ, huyện Mỏ Cày Bắc 605 hộ và huyện Châu Thành 176 hộ chiếm. Hàng năm, tỉnh cung ứng cho thị trường từ 15 – 18 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, chủ yếu là mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, bonsai, kiểng lá, tắc kiểng và các loại cây công trình …

Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh hoa kiểng cũng gặp nhiều khó khăn do sự phát triển còn manh mún, thiếu sự liên kết giữa hộ kinh doanh và sự liên kết vùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật gặp nhiều hạn chế, sản lượng hoa kiểng được bán tập trung chủ yếu vào dịp lễ, Tết Nguyên đán…

Công Trí

theo Dantocmiennui

Related Articles

Back to top button